TÔI ĐÃ GẶP Ở ĐÂY

 

Sau khi bị đánh đập dập xương sống, bị cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế từ trung ương, tôi được chuyển vào một bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự. Tôi đã sống chung với đủ mọi loại tội phạm: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý …v. v. (1)

 

Tôi đến đây

trong một lần đi trốn

khi đang trong cuộc một trò chơi lớn

trò chơi đấu tranh

 

Nhìn quanh

tôi thấy toàn thú dữ

mắt tròn xoe đổ lửa

uống máu ăn thịt lẫn nhau

trong khi bên ngoài những lớp rào

và những hào sâu

bầy quỷ sứ đứng canh

ngả nghiêng cười khoái trá

 

Ở đây

một nắm rau dại

một con sâu, con dế

lắm khi tàn tạ thân xác một con người 

một mẩu tàn thuốc rơi

có thể làm máu đổ (2)

 

Tử thần đang mừng rỡ

bước từng bước đến gần

những con người khốn khổ

họ không có gì chống đỡ

nên chỉ biết bán rẻ nhân cách của mình

biến thành những con vật đê hèn

ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi

 

May mắn thay

tôi đã gặp ở đây

ân tình đong thật đầy

của những người bạn mới

(giữa rừng cỏ dại quanh bờ suối

lác đác một hai khóm trúc đào)

tôi quên sao được hương vị ngọt ngào

của cành hoa các anh trao giữa muôn nghìn cay đắng

đàng sau những vệt máu

những giọt mồ hôi

những tia nhìn thù hận

là màu xanh ước mơ

những nét nhạc, những vần thơ

khung trời quê hương, biển tình yêu và cuồn cuộn dâng nhựa sống

tâm hồn tôi như bay cao giữa trời gió lộng

dù xác thân vẫn trĩu nặng gông xiềng

 

Tôi đã gặp những đứa em

còn chút dáng người giữa bầy dã thú

đói thắt ruột

và roi quất trên đầu, trên cổ

vẫn chẳng nỡ ăn thịt đồng loại của mình

tôi ôm các em vào lòng

thủ thỉ bên tai những lời thân ái

để các em quen dần tiếng nói

của loài người

đã quên mất từ lâu

 

Tôi đã bị đẩy xuống tận đáy vực sâu

dù đường còn rất xa

và rất nhiều khó nhọc

vẫn cố trèo lên miệng vực

dù bọn quỷ sứ muốn biến tôi thành súc vật

trái tim tôi vẫn ăm ắp tình người

vẫn quay quắt nhớ người yêu nơi ấy một phương trời

và vẫn niềm tin

ở một ngày mai.

 

Phạm Đức Nhì

Viết cuối năm 1982 ở Bệnh Xá Phân Trại B 


Chú Thích:


1/ Tôi nằm ở Bệnh Xá B, khoảng hơn 30 bệnh nhân toàn là tù hình sự, chỉ có mình tôi "lạc loài". 


2/ Một ngày Chủ Nhật, được nghỉ lao động, có 2 em tù hình sự đến "cà kê dê ngỗng" kể chuyện tôi nghe. Số là cả 2 em đều ghiền thuốc nặng, lúc đang cuốc đất, thấy tên công an võ trang đứng gần đấy vứt cái tàn thuốc mới hút xong, cùng xông tới giành nhau. Đứa bị dộng báng súng lên ngực, chiều tối về phòng mới ói máu; đứa bị chân giầy đạp lên mặt, máu răng, máu miệng bê bết "giữa trận tiền". Một em vừa cười vừa nói: "Biết là ăn đòn nhưng ghiền quá chịu không nổi, anh ơi!"


 Trong bài thơ Bờ Vẫn Quá Xa có một đoạn tương tự:


Tôi có người bạn

đói lòng moi mấy củ khoai

các anh đập nát xương bàn tay

mãi mãi mang thương tật


Một người khác lâu ngày thèm thịt

chụp vội con nhái bên đường

bỏ vào mồm nuốt chửng

báng súng AK các anh lao vào ngực, vào bụng

cho đến khi con nhái phòi ra

con nhái lúc vào màu xanh

lúc ra thành màu đỏ.

http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=10920   


Một độc giả tên Kh. Phạm đã gởi cho tôi một email như sau:


Bạn Phạm Đức Nhì thân mến,


“Bờ Vẫn Quá Xa” - bài thơ mang tính nhân bản và tình tự dân tộc có tác động thức tỉnh lòng trắc ẩn của những người phía bên kia. Nội dung mặc dầu cũng tố cáo những hành vi tàn bạo phi nhân của cai tù và hệ quả của chính sách hà khắc của nhà cầm quyền cộng sản đối với toàn dân, nhưng nó không biểu hiện sự căm hờn, thù nghịch mù quáng mà chỉ vạch trần mỗi góc cạnh của xã hội để thức tỉnh lương tri dân tộc.

 

 Mấy câu thơ tôi đắc ý nhất là:

 

Báng súng AK

các anh lao vào ngực, vào bụng

cho đến khi con nhái phòi ra

con nhái lúc vào màu xanh

lúc ra thành màu đỏ.

 

Chữ “phòi” và chữ “xanh”, “đỏ” bạn dùng thật đắt, thật tuyệt vời! Nó diễn tả được sự ghê tởm đến dã man vô cùng tận của con người đối với con người, của con dân với người đồng chủng.

 

Hãy tưởng tượng ba tên cai tù vây quanh một nạn nhân thân tàn ma dại, báng AK liên tục dộng vào ngực, vào bụng một người chỉ vì bị bỏ đói mà ăn bậy một con nhái sống. Mắt trợn ngược, miệng ứa máu, “phòi” ra một con nhái sõng soài trong bụm máu.  Thật ghê rợn, thật dã man.

 

Tôi nghĩ các bạn thơ của bạn từ quê nhà, đã từng là những chiến binh đối đầu trong mặt trận cũng phải ghê rợn, bẽn lẽn ngậm ngùi vì những hành vi phi nhân của những người đồng chí cùng chiến tuyến.

 

Đọc đoạn thơ này tôi bỗng nhớ đến hình ảnh tương tự của sự tàn bạo tôi được chứng kiến ở trại tù Nghệ Tĩnh.  Hôm ấy tôi được cử đi thâu hoạch rau xanh cho ban (ban cán bộ cai tù). Tôi đang chặt cải bắp và xu hào bỏ vào gánh thì từ xa một anh tù hình sự trờ tới.  Miệng liến thoắng, tay vơ vội chiếc cải bắp trên luống rồi ngoắt quay đi.

 

Bỗng đâu gần đó tên cán bộ quản giáo Hạnh xuất hiện, chặn đầu. Anh hình sự đứng chết trân như chuột trước miệng mèo. Tên cán bộ Hạnh quơ con dao phay to bản, cán sắt nặng, thẳng cánh phóng về phía trước.  Phịch! Tôi ghê sợ nhắm mắt lại, khi mở ra thấy anh hình sự gục xuống, miệng ứa máu lắp bắp: “Lạy ông…” và con dao cán quay ngược nằm ngay trước mặt…

 

Anh hình sự rất may chưa chết, nhưng ắt hẳn lá phổi anh đã bầm giập.  Anh ráng lết về hướng cũ, nơi đó có một tên lính dẫn giải từ từ tiến lại.  Tên dẫn giải nói với tên cán bộ Hạnh: “Mẹ kiếp, sao mày đánh nó đau thế! Tao bảo nó đến xin ít rau về cải thiện…” Thế là huề! Sinh mạng con người được giới có quyền trân trọng như thế ấy! 

Qua câu chuyện kể ta thấy “con nhái màu đỏ” của bạn không phải là hình ảnh cá biệt mà nó rất phổ biến trong các trại tù.  Dường như những người cán bộ công an họ đã được đào luyện, nhồi nhét trong đầu về cách nhìn nhận và đối sử với đồng bào ruột thịt mình như vậy.  

Họ có coi đồng bào họ là những con người? Ôi mẹ Việt Nam ơi! Chẳng lẽ đất nước này tồn tại và phát triển được đến ngày nay là dựa vào phong cách cư xử với nhau như vậy hay sao? Thật tôi không hiểu nổi!!!


 

Trở về trang chính:

 

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2023/11/trang-blog-tho-pham-uc-nhi_21.html


Comments

Popular posts from this blog

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

QUÊ HƯƠNG - KẺ ĐI NGƯỜI Ở

Gặp Chúa