TẬP VẼ


Bài này tôi viết lúc đang nằm ở bệnh xá phân trại B. Tôi được chuyển vào đây sau khi bị đạp giập xương sống trong xà lim lần thứ hai.

Một em tù hình sự có học lại có hoa tay, vẽ đẹp nên được ưu tiên cho về đội nhà bếp để thỉnh thoảng vẽ cờ, hoa, khẩu hiệu trang trí cho phân trại. Em mến tôi và lúc bớt việc lại đến bệnh xá đề nghị tôi hát mấy bản nhạc vàng mà em ưa thích.

Một hôm em tâm sự là rất buồn, rất chán khi bị bắt buộc phải vẽ những hình, khẩu hiệu mà em “không có cảm tình”.

 

Bài thơ TẬP VẼ ra đời trong khung cảnh ấy.

 



Thuở bé 
thầy giáo thường khen em
có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ đẹp
chỉ vài nét
là có hình người 
muông thú, cỏ hoa

Thế mà mấy năm qua
em luôn bị điểm 2 môn vẽ
chăm chỉ, miệt mài 
tính em vẫn thế
chứ có đâu biếng nhác, ươn hèn

Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
em đã ngắm kỹ 
từng đường cong nét thẳng
em cũng ướm thử 
từng đoạn dài đoạn ngắn
nhưng đến hết giờ
em vẽ cũng vẫn …sai

Đưa lưng cho thầy quất mấy roi
em ngỡ liềm cứa thịt da em rách
thước kẻ thầy đánh vào tay
em tưởng búa đập xương em dập nát

Một hôm khác 
lớp em vẽ hình Lê- Nin
em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng
để ý từ chòm râu, sóng mũi

Nhưng lạ chưa! 
Lê – Nin của em vào cuối buổi
trông cứ như đang múa vuốt, nhe nanh
xem bài em 
thầy giáo giật mình
đánh em ngã lăn giữa lớp

Hôm vẽ Bác Hồ 
lòng em hồi hộp
thầy đứng bên em 
chẳng phút nào rời
thầy nhắc em 
Bác nhân đức yêu người
thầy sánh Bác 
với vua Hùng dựng nước

Em cố vẽ theo lời thầy
nhưng không sao vẽ được
tay chén chè tàu
tay ly rượu Vốt- Ka
Bác Hồ của em
trông gian ác, ranh ma
em lại bị thêm trận đòn
tím bầm thân thể

Bản đồ nước Việt Nam
một hôm em đang vẽ
này biển, này sông,
này rừng núi, ruộng vườn
này những thành phố quê hương
em đặt hết tâm hồn
vào trang giấy nhỏ


Thầy đứng sau lưng
cầm cây cọ đỏ
bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu
đỏ biển, đỏ sông
đỏ những đê điều
đỏ phố, đỏ phường
đỏ hết cả núi rừng, nương rẫy


Em bỏ ngôi trường làng
ra đi từ dạo ấy
lang thang như một khách giang hồ
Ôi! Nhớ làm sao
những lần tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em
giờ có thầy giáo mới


Em sẽ chạy về ngay
không để lỡ một ngày,
một buổi
ngồi vào hàng ghế ngày xưa
thầy đang dậy những câu hát mẹ ru
còn em háo hức
chờ đến giờ tập vẽ.
(380 chữ)


Phạm Đức Nhì 


Minh Họa Kỹ Thuật Gieo Vần


TẬP VẼ

Thuở bé 
thầy giáo thường khen em
có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ đẹp
chỉ vài nét
là có hình người muông thú, cỏ hoa

Thế mà mấy năm qua
em luôn bị điểm 2 môn vẽ
chăm chỉ, miệt mài tính em vẫn thế
chứ có đâu biếng nhác, ươn hèn

Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
em đã ngắm kỹ từng đường cong nét thẳng
em cũng ướm thử từng đoạn dài đoạn ngắn
nhưng đến hết giờ em vẽ cũng vẫn… sai

Đưa lưng cho thầy quất mấy roi
em ngỡ liềm cứa thịt da em rách
thước kẻ thầy đánh vào tay
em tưởng búa đập xương em dập nát

Một hôm khác 
lớp em vẽ hình Lê- Nin
em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng
để ý từ chòm râu, sóng mũi

Nhưng lạ chưa! Lê – Nin của em vào cuối buổi
trông cứ như đang múa vuốt, nhe nanh
xem bài em thầy giáo giật mình
đánh em ngã lăn giữa lớp

Hôm vẽ Bác Hồ lòng em hồi hộp
thầy đứng bên em chẳng phút nào rời
thầy nhắc em Bác nhân đức yêu người
thầy sánh Bác với vua Hùng dựng nước

Em cố vẽ theo lời thầy nhưng không sao vẽ được
tay chén chè tàu tay ly rượu Vốt- Ka
Bác Hồ của em trông gian ác, ranh ma
em lại bị thêm trận đòn tím bầm thân thể

Bản đồ nước Việt Nam một hôm em đang vẽ
này biển, này sông, này rừng núi, ruộng vườn
này những thành phố quê hương
em đặt hết tâm hồn vào trang giấy nhỏ


Thầy đứng sau lưng cầm cây cọ đỏ
bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu
đỏ biển, đỏ sông, đỏ những đê điều
đỏ phố, đỏ phường, đỏ hết cả núi rừng, nương rẫy


Em bỏ ngôi trường làng ra đi từ dạo ấy
lang thang như một khách giang hồ
Ôi! Nhớ làm sao những lần tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em giờ có thầy giáo mới

 
Em sẽ chạy về ngay không để lỡ một ngày, một buổi
ngồi vào hàng ghế ngày xưa
thầy đang dậy những câu hát mẹ ru
còn em háo hức
chờ đến giờ tập vẽ.

 

  

 

 KỸ THUẬT THƠ:

 

1/ Thơ Mới Biến Thể, nhất khí liền mạch/ Tứ thơ chảy thành dòng.

2/ Vần: Vần chân là chính, chỗ đậm chỗ nhạt, không có quy củ.

3/ Số chữ trong câu: Thay đổi với biên độ rộng

4/ Dòng âm điệu: Thông thoáng

5/ Nhịp điệu: Uyển chuyển, sinh động

6/ Dòng tứ thơ + dòng âm điệu

7/ Độ dài: 380 chữ

8/ Cảm xúc tầng 1 (đến từ câu chữ, biện pháp tu từ): Mạnh

9/ Cảm xúc tầng 2 (đến từ bố cục, thế trận): Mạnh

10/ Hồn thơ: Tùy bạn đọc



Trở về trang chính:

 

https://thonhipham.blogspot.com/2023/11/vai-net-ve-trang-bog-tho-pham-uc-nhi.html

Comments

Popular posts from this blog

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

QUÊ HƯƠNG - KẺ ĐI NGƯỜI Ở

VÌ THẾ TÔI RA ĐI 1